Làng Kon Pring đặc sản văn hóa bản địa Măng Đen
Làng du lịch cộng đồng Kon Pring nằm cách trung tâm thị trấn Măng Đen chừng 3km. Nằm dọc theo quốc lộ 24, một lối rẽ vào con đường bê tông. Làng Kon Pring hiện lên trong mắt du khách những nếp nhà đơn sơ, sạch sẽ trung tâm ngôi làng là một căn nhà Rông cao lớn uy nghi.
Làng Kon Pring được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính và dân số xã Măng Cành (cũ) trên tổng diện tích tự nhiên 700 ha, 66 hộ với 220 nhâu khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mơ Nâm sống chủ yếu nhờ trồng cấy lúa nước và làm nương rẫy.
Nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mơ Nâm ở làng Kon Pring.
Cùng với cồng chiêng-xoang, làng Kon Pring vẫn còn lưu giữ nét đẹp nhà Rông, nhà sàn, đan lát mây tre, làm rượu cần, nấu nướng các món ăn dân tộc…, lại rất thuận lợi vì ở gần trung tâm Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen và sở hữu cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, hữu tình với đồi núi, rừng cây, sông suối hài hòa…
Đó chính là sức hút rất riêng, là yếu tố quyết định để khu dân cư này được chọn làm điểm xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng Kon Pring của Măng Đen.
Vẻ đẹp ngôi làng Kon Pring
Khi còn tờ mờ sáng, sương sớm giăng lối đi. Đứng trên dốc cao cạnh nhưng gốc thông già nhìn xuống thung lũng, ngôi làng Kon Pring với mái nhà rông nổi bật giữa rừng, vây quanh là những mái nhà gỗ màu nâu xám quần tụ bên nhau.
Mây từ trên trời sà xuống thấp, khói từ mỗi gian bếp bay lên che mờ hư ảo, làng Kon Pring thơ mộng và yên bình.
Bên làng, cách mấy căn nhà sàn không bao xa, người dân vừa chuyện trò rôm rả vừa cuốc xới, cày ải từng khoảnh ruộng với mong ước vụ đông xuân tới lúa tốt bời bời.
Còn mấy em nhỏ chạy nhảy tưng bừng trước sân nhà, tiếng cười trong veo của chúng vang xa, khiến cho không gian tĩnh lặng của làng thêm sống động.
Những gương mặt hồn nhiên pha chút bẽn lẽn, thẹn thùng, những đôi mắt to tròn, trong trẻo, lại thêm những đôi má ửng đỏ bồ quân của các em nhỏ khiến cả góc sân như bừng sáng.
Mới tạnh ráo, hưng hửng nắng lên, chỉ một lúc sau, bầu trời sẩm màu, lất phất mưa. Đang đà thăm thú cảnh sắc, ai nấy như thầm tiếc rẻ.
Nhưng rồi như tự dặn lòng, “lắm mưa nhiều gió” cũng là phong vị rất riêng của Kon Pring, chưa được tận hưởng sẽ thiêu thiếu đi điều gì đó. Nên cứ mưa đi, để “vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”, để níu chân chúng tôi ở lại với Kon Pring, kéo dài cuộc hành trình.
Bước vội vào căn nhà sàn ven đường. Nhà cửa gọn gàng, mấy vật dụng đan bằng mây tre được treo gọn trên vách ván. Bên đầu hồi nhà, bếp lửa bập bùng cháy. Già chủ nhà đang lúi húi đan chiếc gùi. Còn cô con gái miệt mài ngồi dệt.
Sắc màu thổ cẩm hiện lên huyền bí, làn da nâu nâu của già chủ nhà, đôi mắt đen nhánh, trong trẻo của cô con gái và cả chiếc khung cửi đã bóng nước thời gian khiến cho tôi như bước đi qua bao nhịp mùa khoan nhặt. Khiến cho tôi nhớ mãi những lễ hội rộn rã tiếng cồng, chiêng và điệu xoang dặt dìu của người Mơ Nâm, nghĩ về sắc màu thổ cẩm tượng trưng cho đất, cho trời mà từ xa xưa người Mơ Nâm ước vọng.
Ngoài trời, mưa vẫn rơi. Mưa xuống khiến cho Kon Pring càng thêm lạnh. Bếp lửa vẫn bập bùng cháy tỏa hơi ấm khắp nhà. Chiếc ấm nhôm đen nhẻm đặt trên bếp đã sôi, già chủ nhà vội lấy nắm chè xanh hái sau vườn bỏ vào.
Như hợp với nguồn nước thuần khiết chảy ra từ suối nguồn núi rừng, ly chè xanh ở làng Kon Pring hôm ấy đúng là mùi không thể thơm hơn và màu không thể xanh hơn.
Cơn mưa kéo dài mấy tiếng đồng hồ, phải quá trưa mới tạnh. Sau mưa, Kon Pring yên bình đến lạ. Rừng thông như xanh mướt hơn và cánh đồng bên làng như trải dài vô tận.
Tan trong cảm nhận về những điều đã, đang làm nên cuộc sống bình yên, thuần hậu nơi đây là những căn nhà sàn bình dị, những màu tím biêng biếc của hoa mua dọc lối làng.
Những nét đẹp văn hóa của người Mơ Nâm từ đời cha, đời ông đang được những người làng hôm nay gìn giữ, những con người chất phác, nồng ấm như già làng bên bếp lửa chiều mưa, những tiếng cười giòn tan, những đôi mắt trong trẻo của con trẻ. Những hình ảnh chân thực, bình dị của Kon Pring trải theo những con đường làng, làm chan chứa trong tôi niềm xúc động.
Tổng hợp bởi: Yêu Măng Đen.
Ảnh: Đào Phúc Quang Vũ.
#konplongtv #dulichmangden #mangden
Your page rank:
2 Comments